Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều lựa chọn vào học lớp 10

Thống Nhất| 24/06/2021 06:11

(HNM) - Hơn 93.000 học sinh trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2021-2022 (ngày 12 và 13-6). Dù kỳ thi đã khép lại, song với những học sinh chưa làm tốt bài thi hoặc chưa tham dự kỳ thi này vẫn còn không ít lựa chọn vào học lớp 10 ở nhiều loại hình trường học. Nắm vững các quy định, hiểu rõ quyền lợi để không bỏ lỡ cơ hội học tập là điều mà học sinh cần lưu ý trong thời điểm này.

Thí sinh cần nắm vững các quy định về việc đăng ký dự tuyển vào lớp 10 ở nhiều loại hình trường học để có cơ hội trúng tuyển tốt nhất. Ảnh: Đỗ Tâm

Có nhiều loại hình trường khác nhau

Theo kế hoạch đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, năm học 2021-2022, có 69.000 học sinh được tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập (tương đương 62% số học sinh dự tuyển). Như vậy, còn khoảng 24.000 học sinh không đỗ vào các trường công lập và một số học sinh không đăng ký dự thi cần tìm một lựa chọn khác để học lớp 10. Từ nay tới ngày 30-6-2021, trên địa bàn Hà Nội có nhiều loại hình trường đang nhận hồ sơ xét tuyển, học sinh cần tận dụng cơ hội để có lựa chọn phù hợp. 

Đây là năm đầu tiên, các trường ngoài công lập ở Hà Nội được sử dụng đồng thời cả hai phương thức tuyển sinh vào lớp 10 là sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập và xét học bạ cấp trung học cơ sở. Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm) Nguyễn Viết Cẩn cho biết, nhà trường áp dụng phương thức xét học bạ 4 năm học cấp trung học cơ sở, với 270 chỉ tiêu. Những học sinh chưa tham dự kỳ thi lớp 10 trường công lập hoặc không đủ điều kiện xét tuyển (do dự thi thiếu môn hoặc vì lý do khác) đều có cơ hội dự tuyển vào trường.

Học sinh ở khu vực ngoại thành cũng có nhiều lựa chọn. Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Chu Văn An (huyện Đông Anh) Hoàng Hữu Niềm thông tin, học sinh có thể dự tuyển vào trường bằng cách xét học bạ 4 năm học cấp trung học cơ sở; hoặc sử dụng điểm trong kỳ thi vừa qua.

Một lựa chọn khác đối với học sinh là có thể học lớp 10 tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Ba Đình Nguyễn Công Dương, tất cả các trung tâm đều áp dụng chung phương thức xét học bạ của 4 năm học cấp trung học cơ sở. Mọi học sinh trên địa bàn Hà Nội, không phân biệt khu vực tuyển sinh đều có thể nộp hồ sơ dự tuyển. 

Thành phố Hà Nội bảo đảm cho 100% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục được học tập lên cấp trung học phổ thông. Trong ảnh: Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 tại điểm thi Trường Trung học cơ sở Nguyên Khê (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

Những điều học sinh cần lưu ý 

Công tác chấm thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2021-2022 đang được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẩn trương triển khai để công bố kết quả chậm nhất vào ngày 30-6-2021. Đây cũng là thời hạn các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của học sinh. Các em cần lưu ý một số quy định mới, tránh nhầm lẫn, ảnh hưởng đến quyền lợi. 

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết, phòng đã chỉ đạo các trường trung học cơ sở thông tin đến tất cả học sinh ghi nhớ quy định: Đối với các trường công lập, học sinh có thể xác nhận nhập học theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Còn với trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, chỉ áp dụng duy nhất hình thức xác nhận nhập học trực tiếp. 

Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) Khuất Thị Hồng Điệp, nếu như các năm trước, khi hạ điểm chuẩn, các trường chỉ nhận học sinh đăng ký nguyện vọng 1, thì nay, khi hạ điểm chuẩn, các trường nhận cả những học sinh có nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Học sinh trúng tuyển nguyện vọng 2 phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1 điểm. Học sinh trúng tuyển nguyện vọng 3 phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 2 điểm. Đặc biệt, mức chênh giữa các nguyện vọng là 1 điểm, giảm 0,5 điểm so với mọi năm. 

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại thông tin, trên địa bàn Hà Nội có nhiều loại hình trường, gồm 228 trường trung học phổ thông công lập, ngoài công lập; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 44 trường trung cấp chuyên nghiệp, bảo đảm cho 100% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục được học tập lên cấp trung học phổ thông. 

“Trừ các trường công lập áp dụng quy định về khu vực tuyển sinh, các loại hình trường còn lại đều tuyển học sinh toàn thành phố và không yêu cầu phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Căn cứ vào điều kiện, năng lực và nguyện vọng, các em có thể đăng ký dự tuyển vào loại hình trường phù hợp và cần chú ý đến phương thức, thời gian nhận hồ sơ để không lỡ cơ hội trúng tuyển tốt nhất. Sở yêu cầu các trường tạo thuận lợi tối đa cho học sinh trong quá trình xét tuyển và không được thu bất cứ khoản kinh phí nào ngoài quy định, kể cả việc bán hồ sơ nhập học”, ông Phạm Văn Đại nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều lựa chọn vào học lớp 10

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.