Tọa đàm trực tuyến 'Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?'

0:00 / 0:00
0:00
Tọa đàm trực tuyến 'Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?'
TPO - 14 giờ chiều 31/8, báo Tiền Phong tổ chức toạ đàm "Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?", với các vị khách mời là đại diện Sở GD&ĐT cùng hiệu trưởng các trường, chuyên gia tâm lý, phụ huynh học sinh... để phân tích, mổ xẻ khó khăn cũng như đưa ra giải pháp dạy học trực tuyến ra sao để nâng cao chất lượng. 
GIAO LUU HOC TRUC TUYEN 31.8

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

31/08/2021 14:23

Phân tích, mổ xẻ khó khăn, đưa ra giải pháp dạy học trực tuyến hiệu quả

Mở đầu buổi toạ đàm, ông Phùng Công Sưởng- Phó Tổng biên Tập cho rằng, sắp sửa bước vào một năm học mới với nhiều bước ngoặt. Xu hướng đọc của bạn đọc trong những ngày này về thông tin giáo dục rất nhiều. Trước yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi với cơ quan truyền thông, báo Tiền Phong tổ chức toạ đàm "Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?", với các vị khách mời là đại diện Sở GD&ĐT cùng hiệu trưởng các trường, chuyên gia tâm lý, phụ huynh học sinh... để phân tích, mổ xẻ khó khăn cũng như đưa ra giải pháp dạy học trực tuyến ra sao để nâng cao chất lượng.

Tọa đàm trực tuyến 'Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?' ảnh 1

Cụ thể, toạ đàm "Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?" sẽ tìm giải pháp xoay quanh các chủ đề như sau:

Thứ nhất: Xu hướng học online là xu hướng tất yếu, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến còn phức tạp.

Thứ hai: Vậy học online thế nào cho hiệu quả. Chúng ta cần tìm giải pháp để giải toả được lo lắng của phụ huynh, thầy cô giáo.

Thứ ba: Trong việc học online thì công nghệ là vấn đề quan trọng. Chỉ cần đường truyền ngắt quãng cảm xúc, tư duy của các em thì hiệu quả đã giảm đi rất nhiều

Vì thế, trong khuôn khổ chương trình buổi toạ đàm hôm nay, báo Tiền Phong mời quý bạn đọc lắng nghe chia sẻ của các vị khách mời. Họ là phụ huynh, hiệu trưởng, nhà quản lý giáo dục, chuyên gia tâm lý…có những chia sẻ về khó khăn và cách giải bài toán khó để nâng cao chất lượng dạy học cũng như làm sao để đặt quyền lợi học sinh lên trên hết.

31/08/2021 14:31

Hàng loạt vấn đề đặt ra khi chuyển sang học online

Thưa ông, 2 năm qua, nhìn rộng ra có thể thấy, đa số các trường học tại Việt Nam chưa có sự chuẩn bị về nền tảng công nghệ nhưng vì dịch ập đến, buộc phải chuyển sang dạy trực tuyến. Bị động như vậy, hiệu quả, chất lượng của việc dạy học sẽ như thế nào, nhất là các trường thuộc vùng miền núi, khó khăn, chỉ có từ 30-60% học sinh đủ điều kiện học trực tuyến?

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội: Tháng 2/2020 khi dịch COVID -19 xuất hiện ở Việt Nam và điển hình là tại Hà Nội, thì thành phố có chỉ đạo cho học sinh nghỉ 1 tuần nhưng sau đó là nghỉ thêm nhiều tuần nữa. Lúc này, các trường bắt đầu tính đến chuyện chuyển sang học trực tuyến.

Tọa đàm trực tuyến 'Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?' ảnh 2

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội

Tuy nhiên, khi chuyển sang học online thì một loạt vấn đề được đặt ra liên quan đến vấn đề đường truyền, thiết bị đầu, cuối, kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin của giáo viên, học sinh,…

Nếu các trường đáp ứng được những vấn đề trên thì bắt kịp rất nhanh nhưng các trường điều kiện còn khó khăn thì không được như vậy.

Đối với chất lượng dạy học online thì phải khẳng định rằng không thể so sánh chất lượng giữa dạy học trực tiếp với dạy học trực tuyến. Bởi nếu trực tuyến đạt 30 – 60% so với trực tiếp đã là rất quý, và không thể lý tưởng hóa lên 90%.

Năm 2020 trường Marie Curie Hà Nội có khoảng 5.000 học sinh 3 cấp, năm tới là 6.000 học sinh vì mở thêm cơ sở. Chúng tôi có thuận lợi là hầu hết học sinh nằm ở nội thành Hà Nội, điều kiện tương đối tốt nên đường truyền, phương tiện đầu, cuối đều tốt. Giáo viên có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin nên soạn giáo trình online tốt.

Nhà báo Phùng Công Sưởng: Thầy có thể cho biết số lượng học sinh và các cấp mà trường đào tạo để có thêm đặc điểm về vùng miền trong việc dạy học online không?

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội: Trường Marie Curie chúng tôi năm ngoái có 5000 học sinh 3 cấp: cấp 1, cấp 2, cấp 3. Năm học tới đây có 6000 học sinh vì mới mở thêm cơ sở mới

Chủ yếu các học sinh có đặc điểm đều ở nội thành thủ đô nên có thể nói điều kiện gia đình tương đối tốt: đường truyền 3G, 4G, wifi khá tốt, phương tiện kết nối cũng tương đối hiện đại. Như vậy học sinh và giáo viên trường Marie Curie có điều kiện tốt hơn ở các vùng miền khác.

Ở TPHCM tới đây đang có phương án dạy cấp 1 cấp 2 qua truyền hình. Dạy qua truyền hình và trực tuyến có 1 số điểm khác nhau: truyền hình độc thoại, dạy trực tuyến có thêm tương tác giữa học sinh và giáo viên. Tuy nhiên một số địa phương đang tiến hành kế hoạch thực hiện dạy học qua truyền hình.

31/08/2021 14:43

Trường tiểu học Thủ Lệ: Sẵn sàng học trực tuyến

Trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT yêu cầu trường phối hợp dạy trực tuyến và trực tiếp, trong đó chỉ dạy trực tuyến với lớp 1, lớp 2 khi đủ điều kiện. Vậy với 1 trường như Tiểu học Thủ Lệ, quận Ba Đình có đáp ứng điều kiện dạy học trực tuyến không? Khó khăn từ phía nhà trường, giáo viên là gì?

Tọa đàm trực tuyến 'Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?' ảnh 3
Bà Nguyễn Ngọc Anh, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học Thủ Lệ

Bà Nguyễn Ngọc Anh, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học Thủ Lệ, quận Ba Đình (Hà Nội): Trong bối cảnh này, thì trường tôi đã sẵn sàng việc học trực tuyến vì đây là năm học thứ 3 đối diện với điều kiện dịch bệnh.

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo rất sát sao và linh hoạt tới từng trường. Ngay từ đầu năm, chúng tôi có những buổi tập huấn về học trực tuyến rất giá trị và thiết thực. Thông qua buổi đó thì chúng tôi có thể triển khai học trực tuyến cho học sinh một cách hiệu quả hơn.

Ngoài ra, chúng tôi có đội ngũ giáo viên rất chủ động dạy trực tuyến. Đây là những điều khá thuận lợi khi nhà trường triển khai dạy học.

Tuy nhiên, không phải nhà trường không có những khó khăn. Trường tôi có 807 học sinh, trung bình 40 học sinh trên một lớp. Chúng tôi không có được đội ngũ IT chuyên nghiệp để giúp thầy cô vận hành lớp học vì thế giáo viên dạy phải làm tất cả rất khó khăn với khối lượng công việc rất nhiều.

Mặt khác, một khó khăn nữa là trường chúng tôi rất đa dạng học sinh. Có học sinh có điều kiện thì có kết nối mạng để học nhưng có gia đình học sinh không đủ thiết bị để học vì gia đình đồng thời có 2-3 con, có học sinh cũng kẹt lại ở vùng dịch ở quê với ông bà mà ông bà thì không thể hỗ trợ để các em học bài học online một cách hiệu quả.

31/08/2021 14:47

TS Trần Thành Nam: Chúng ta thiếu những nghiên cứu cơ bản về học trực tuyến

Lâu nay các chuyên gia vẫn khuyến cáo, không nên cho trẻ xem tivi, điện thoại quá nhiều sẽ ảnh hưởng sức khoẻ. Thế nhưng, trong hướng dẫn năm học mới của Bộ GD&ĐT yêu cầu, học sinh nhỏ tuổi như lớp 1, lớp 2 học trực tuyến hoặc học qua truyền hình. Nhiều trường đã thiết kế dạy học ngày 2 buổi dù trực tuyến. Ông có cảnh báo nào khi trẻ học trực tuyến kéo dài như vậy?

TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục - ĐH Khoa học giáo dục (ĐH Quốc Gia Hà Nội)

Tọa đàm trực tuyến 'Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?' ảnh 4

TS Trần Thành Nam chia sẻ trực tuyến

Có thể thấy, sau 1 năm học online, thông qua các nghiên cứu và công bố thì hầu hết các em học sinh có tâm lý khó chịu khi bị bắt buộc học online, việc tiếp thu và nhớ kiến thức cũng khó khăn hơn.

Đồng thời, các em cũng gặp phải nhiều vấn đề về ánh sáng xanh, vấn đề về mắt, giấc ngủ,…vì khi học online vì thời gian sử dụng màn hình quá dài và qua nhiều.

Trong khi đó, theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi sang quốc gia số trong tương lai thì giáo dục cũng sẽ tất yếu phải chuyển đổi sang dạy học trực tuyến.

Tuy nhiên hiện tại chúng ta đang thiếu những nghiên cứu cơ bản về học trực tuyến, về thời gian sử dụng màn hình phù hợp cho học sinh.

Do đó chúng ta phải cần xác định tâm thế học trực tuyến không phải mang tính chất giải pháp để đối phó với đại dịch và đồng thời cần phải nghiên cứu các vấn đề về việc học trực tuyến một cách nghiêm túc vì nó là xu thế tất yếu sau này.

31/08/2021 14:56

Học sinh lớp 1 cần chuẩn bị gì để học trực tuyến?

Nhà báo Phùng Công Sưởng: Gia đình cần chuẩn bị như nào, thầy cô chuẩn bị như nào, đặc biệt với các em cấp 1 cần chuẩn bị tâm lý như nào để bắt đầu một năm học mới theo hình thức học trực tuyến hiệu quả nhất.

Tọa đàm trực tuyến 'Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?' ảnh 5
Tọa đàm trực tuyến 'Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?' ảnh 6

TS. Trần Thành Nam - trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội: Việc chuẩn bị để bắt đầu 1 học kỳ mới theo hình thức online rất quan trọng. Đặc biệt là tập trung chuẩn bị tâm thế cho các em học sinh.

6 tuổi là giai đoạn các em có rất nhiều lo lắng: lo lắng bị chia tách, lo lắng tiếp xúc môi trường mới.

Phụ huynh cần chuẩn bị trước cho các e các trường hợp có thể xảy ra như: hôm nay đi học các con sẽ được học bài này, sẽ gặp bạn này, nếu bạn ứng xử như này thì các con sẽ làm gì,…

Phụ huynh cũng cần để tâm việc học sinh dần ý thức được bản thân, xây dựng tính độc lập của bản thân.

Với các bạn đầu cấp thì phụ huynh cần tăng cường giao tiếp, trao đổi, để nâng cao sức khỏe tinh thần. Và hướng dẫn các em học online.

Trong bối cảnh giãn cách phải học online các con có những căng thẳng như nào thì phụ huynh cần đặc biệt lưu ý để nhận ra.

Theo thứ bậc cần đảm bảo

-Vùng an toàn

-Thoải mái: cân bằng về tinh thần

-Tiếp thu kiến thức

Đây là những vấn đề mà phụ huynh và gia đình cần chung sức giúp con: cân bằng thời gian tiếp xúc điện thoại và máy tính, tránh ánh sáng xanh màn hình.

Việc học online có những khiếm khuyết về kỹ năng vận động thì cần thay đổi cho con như nào,…(gói ý: tăng cường cho con tiếp xúc môi trường xanh bên ngoài,..)

Phụ huynh cũng cần thiết lập cho con góc học tập riêng, tôn trọng thời gian học tập của con, trong các phiên học trực tuyến, bố mẹ cần tạo cho con hứng thú học.

Bố mẹ kết nối với thầy cô bằng cách khi các con được phần thưởng thì phụ huynh cũng trao phần thưởng cho con.

Làm thế nào để con có thể tập trung vào màn hình thì có thể dán note vào màn hình để con có thể tập trung, khuyến khích bằng phần thưởng.

31/08/2021 15:00

Năm học quá đặc biệt với cả phụ huynh và học sinh

Vậy năm nay áp lực với học sinh lớp 1 sẽ thế nào? Làm sao để giúp con ứng phó và học hiệu quả online?

- Anh Hồ Bá Hào, phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 nói: Thực sự năm nay quá đặc biệt với cả phụ huynh và học sinh. Là một học sinh, chúng tôi có nhiều vấn đề lo lắng và muốn được chia sẻ để giảm bớt áp lực. Rất may, tôi vừa được nghe chia sẻ từ Ts Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đã giải toả được nhiều băn khoăn của tôi.

Tọa đàm trực tuyến 'Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?' ảnh 7

Anh Hồ Bá Hào có con năm nay vào lớp 1.

Đây là năm đầu tiên học online của các con lớp 1. Vì thế, chúng tôi rất muốn có nguồn thông tin chính thống để khi các con học thì chúng tôi chuẩn bị chu đáo để không ảnh hưởng đến con trẻ. Chúng tôi nghĩ rằng cần có những bài chia sẻ giáo dục để chúng tôi có sự hiểu biết, hỗ trợ, đồng hành với con cũng như chung tay với các thầy cô để con học online một cách hiệu quả.

Ngoài ra, vấn đề sức khoẻ thể chất và tinh thần của các con rất quan trọng khi con phải học online. Sức khoẻ thể chất thì bố mẹ có thể giúp các con nhưng về sức khoẻ tinh thần thì không phải phụ huynh nào cũng biết để bồi đắp cho các con.

Năm nay, các con đang được chơi môi trường gia đình, bố mẹ gia đình là bạn của các con khi tình hình liên tục phải giãn cách nên con rất háo hức được đến trường. Nhưng giờ này là phải nói lại vì vấn đề dịch bệnh không thể đến trường được nữa và các con phải học online.

31/08/2021 15:04

Hà Nội đã chuẩn bị thế nào với việc dạy học trực tuyến?

Sở GD&ĐT Hà Nội đã có những chuẩn bị và chỉ đạo như thế nào đối với việc dạy học trực tuyến?

Tọa đàm trực tuyến 'Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?' ảnh 8

Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng GDPT, Sở GD&ĐT Hà Nội: Dịch COVID -19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giáo dục, đào tạo, nhất là hoạt động trực tiếp tại trường. Ngay từ tháng 3/2020 khi dịch manh nha Sở GD & ĐT đã đẩy mạnh các hoạt động khẩn trương để dạy học trực tuyến.

Sau một thời gian chuẩn bị, khi đã ổn định được tình hình, Sở GD & ĐT đã chỉ đạo cơ sở dạy học các cấp triển khai ngay việc dạy học trực tuyến từ nơi thuận lợi đến vùng khó khăn. Nơi nào thiếu cái gì cho việc học trực tuyến thì chính quyền kết hợp với phụ huynh học sinh để đáp ứng đủ.

Đồng thời Sở cũng chỉ đạo cho giáo viên các cấp chuẩn bị giáo án phù hợp với việc dạy học trực tuyến tùy vào điều kiện thực tiễn của trường, của vùng.

31/08/2021 15:10

Học trực tuyến từ lớp 1 đã hiệu quả hay chưa?

Nhà báo Phùng Công Sưởng: Lớp 1 đã đủ điều kiện và đã đủ hiệu quả khi học trực tuyến hay không? Học trực tuyến từ lớp 1 đã hiệu quả hay chưa?

TS. Trần Thành Nam - trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội: Đây là một câu hỏi rất nhiều người băn khoăn. Về mặt phát triển với các bạn 6 tuổi các chức năng nghe nói và nhìn chưa phối hợp nhuần nhuyễn với nhau

Tọa đàm trực tuyến 'Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?' ảnh 9

TS. Trần Thành Nam

Khi học trực tuyến vừa học thị giác vừa dùng thính giác, các con sẽ phải tập phối hợp thị giác, thính giác làm sao cho hiệu quả

Đôi khi học sinh học online có thể bị sa vào trạng thái tiêu cực khi không thể nghe rõ giáo viên nói gì, không thể làm theo, không thể hỏi các bạn và bắt chước các bạn,… lúc này cần đến phụ huynh ở bên cạnh.

Cần phụ huynh đồng hành với giáo viên để thiết lập cho e một thói quen học tập dần dần hướng dẫn các con tham gia học tập.

Thời gian học cũng cần phải đem gia bàn luận: thời gian học, hoạt động nào có thể cung cấp cho các con như con số hay ngôn ngữ,…

Giáo viên chỉ gặp gỡ các con một số thời gian ngắn, cần phụ huynh kèm cặp và dạy dỗ trực tiếp ở nhà.

Đặc biệt với những nào có nguy cơ tụt lại phía sau như có tính tăng động, không đọc viết được, gặp rắc rối với con số,…. Khi học online giáo viên không thể nhận ra những dấu hiệu đấy được. Cần phụ huynh quan tâm sát sao và trao đổi với giáo viên về các biểu hiện trong học tập của con.

31/08/2021 15:27

Học online cho lớp 1, không nên cứng nhắc

Với đặc điểm tâm sinh lý có thể học online từ lớp 1 không?

- Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội.

Tọa đàm trực tuyến 'Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?' ảnh 10

Về phần tâm lý thầy Nam nói rất nhiều rồi nhưng tôi muốn nói và để ra một bên trường hợp đối tượng không thể học online được như vùng dịch, vùng khó khăn, các gia đình có con cái mắt kẹt về quê ở với ông bà. Thậm chí, gia đình bộ đội, y bác sĩ ở Hà Nội vào chi viện trong Miền Nam. Ông bà chỉ lo được bữa ăn giấc ngủ mà thôi.

Từ đó những đối tượng có thể học online thì kĩ năng tiếp cận với việc học online được mô tả qua các màu: Màu xanh- màu cam- màu đỏ

Vậy theo tôi, với học sinh lớp 1 liệu có học qua online và truyền hình không?. Tỉnh Thừa- Thiên Huế nói không với học online còn có học thì học trên truyền hình. Ở Hà Nội thì theo tôi, cứ phải học thôi. Như các cụ nói “méo mó có hơn không”, đến ngày khai giảng thành phố rồi, anh chị được học thì phải cho con học dù chất lượng ít.

Về thời lượng học trong ngày, theo tôi không cần học đủ, tiết học chỉ cần chừng 15-20 phút chứ không thể 35 phút được và đừng kì vọng một ngày phải học đến 7 tiết. Vì thế, cần tiết học ngắn, học những nội dung cốt lõi. Học online chấp nhận không thể học đủ được. Đến khi học sinh trở lại trường thì các trường sẽ tìm cách để dạy bổ sung cho các con. Với tư cách lãnh đạo trường, tôi cam kết cuối năm học sinh sẽ đủ chuẩn đầu ra lớp 1. Các vị phụ huynh cứ yên tâm, khi các con trở lại trường thì các trường đều có ý chí để các con có đủ kiến thức của lớp 1.

- Ts Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

Đây là câu hỏi rất băn khoăn. Với sự phát triển trẻ em 6 tuổi thì học online một lúc các con vừa phải xử lý thông tin thị giác, thính giác thì về cơ bản các em không làm được. Các em thời điểm này rất dễ háo hức nhưng rất dễ rơi cảm xúc và vô hình chung sẽ rất dễ rơi luôn cả một bài học hôm đó.

Nếu các con 6 tuổi mà cần phải học online thì tôi nghĩ phụ huynh có cam kết mỗi nhà một người cùng con học tập mới mong có kết quả.

Tôi nghĩ gia đình cần thiết lập thói quen, không gian học tập, quy trình, kì vọng các con phải rõ ràng ra. Sau đó phải đưa ra hướng dẫn, đồng hành với con.

Với con lớp 1 thì thời gian bao nhiêu thời gian một ngày thì cần có bàn thảo rõ ràng.

Với học sinh lớp 1 thì hoạt động về các con số, chữ là quan trọng nhất. Tôi nghĩ các hình thức stem, ngôn ngữ đều có tích hợp với bố mẹ với các con hàng ngày. Thầy cô chỉ cần là người hướng dẫn các con cũng phụ huynh.

Với lớp 1 thì nói các nơi có điều kiện để học online thì không đáng nói nhưng cũng phải nhìn nhận sẽ còn những em khó khăn về đọc, viết, tính toán, thường các em đó sẽ bị lùi lại mà học online sẽ bị lùi lại và giáo viên không thể nắm được những khó khăn của các em.

Các con đi học online có phải mặc đồng phục, nghiêm túc khi học không?

- Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội.

Mục tiêu của chúng tôi là làm sao các học sinh lớp 1 có trạng thái chờ tới giờ học như chờ đợi 1 bộ phim hay.

Nên để các con mặc đồng phục của trường, bố mẹ tạo cho con chỗ học đoàng hoàng thì con sẽ củng cố về mặt tâm lý.

Tôi xin chia sẻ, tôi nghĩ cần phải linh hoạt, không nên có chỉ đạo cứng nhắc. Linh hoạt từ địa phương này, linh hoạt trong giờ học, linh hoạt trong tiết học để khiến giờ học trở lên hấp dẫn.

31/08/2021 15:32

Học trực tuyến lớp 1: Nên chia nhỏ lớp, bố trí thời gian chơi online

Nhà báo Phùng Công Sưởng: Với kinh nghiệm lâu năm đứng lớp. Việc học sinh lớp 1 học online có khả thi không?

Cô Nguyễn Ngọc Anh - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Thủ Lệ, quận Ba Đình:

Đối với học sinh lớp 1 việc học online rất khó khăn nhưng nếu chờ dịch tan các con mới quay lại học thì không biết đến lúc nào.

Tọa đàm trực tuyến 'Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?' ảnh 11

Cô Nguyễn Ngọc Anh - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Thủ Lệ

Với học sinh lớp 1 nhu cầu học hỏi nhu cầu tiếp xúc phát triển không ngừng.

Việc học online không phải là tốt nhất nhưng là cần thiết và phù hợp trong thời điểm hiện nay.

Theo tôi nếu 5/9 khai giảng, 6/9 mà bắt đầu học luôn kiến thức thì không phù hợp. Với học sinh lớp 1 cần có độ lùi 2 tuần để các con làm quen với trường, với lớp ,với bạn bè, thày cô

Các con 2-3-4 cũng thế, cần lùi 1 tuần để ôn lại kiến thức, làm quen lại bạn bè trước khi bắt đầu bài học ,mới.

Đối với học sinh lớp 1 chúng tôi không kỳ vọng quá mức vào việc tiếp thu kiến thức. Chỉ cần các con làm sao vui vẻ, thoải mái, nhẹ nhàng và chịu tiếp nhận kiến thức.

Tôi cũng nhất trí về thời gian học của mọi người. Giữa các tiết học cũng cần khoảng thời gian nghỉ (có thể nói là ra chơi online)

Ngoài ra tôi cũng nghĩ cần chia nhỏ lớp học để các con có thể được tiếp xúc nhiều nhất, giáo viên quan tâm nhiều nhất đến các con. Sau khi quen dần chúng tôi sẽ gộp nhóm, gộp lớp để học cho hiệu quả nhất.

31/08/2021 15:40

Sở GD&ĐT sẽ ban hành hướng dẫn dạy học trực tuyến cụ thể

Sở đã ban hành gì mang tính định hướng về không gian, trang phục, hoạt động ngoài giờ khi học trực tuyến?

Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng GDPT, Sở GD&ĐT: Dạy học trực tuyến với học sinh lớp 1 là hoàn toàn phù hợp. Sở GD&ĐT đang chuẩn bị ban hành hướng dẫn dạy học trực tuyến, trong đó có nội dung dạy học cụ thể với từng cấp, từng lớp, nhất là lớp 1.

Tọa đàm trực tuyến 'Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?' ảnh 12

Ông Kiều Văn Minh

Chúng tôi sẽ định hướng rõ là từ 1 -12/9 thì giáo viên tổ chức họp để thống nhất với phụ huynh về thời gian, chuẩn bị thiết bị và hướng dẫn học sinh sử dụng thiết bị khi học trực tuyến.

Nếu dịch vẫn phức tạp thì từ ngày 13 -30/9, tổ chức dạy học trực tuyến bình thường, trong đó tập trung vào 2 môn là Tiếng Việt và Toán.

Chúng tôi cũng định hướng rõ là lớp 1 chỉ dạy tối đa 3 tiết/ ngày, còn lại sẽ tham gia các hoạt động khác theo hướng dẫn của giáo viên. Các môn như âm nhạc, mỹ thuật sẽ tổ chức thực hiện video để truyền tải.

Đồng thời, chỉ đạo giáo viên lựa chọn giáo trình dạy học trực tuyến tốt và phù hợp nhất với việc học online.

Khi học sinh được quay trở lại trường thì thầy cô sẽ rà soát và xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập để kết thúc năm học các em đạt chuẩn đầu ra lớp 1.

31/08/2021 15:49

Dạy, học trực tuyến nên ưu tiên màn hình máy tính lớn

Nhà báo Phùng Công Sưởng: Nên dùng phương tiện nào để giữ gìn sức khỏe, đảm bảo sự phát triển lâu dài của trẻ khi học online?

- Đại diện công ty công nghệ: Khi dạy trực tuyến nên ưu tiên sử dụng màn hình máy tính lớn hoặc thiết bị cầm tay có màn hình lớn, tuy nhiên tùy vào hoàn cảnh có thể linh hoạt trong việc sử dụng thiết bị.

Tọa đàm trực tuyến 'Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?' ảnh 13

Anh Trần Quốc Uy, CEO Công ty phần mềm Quảng Ích.

Nhà báo Phùng Công Sưởng: Yếu tố bảo mật khi dạy học online, nhìn về góc độ công nghệ, chuyên gia có lưu ý gì với thầy cô, phụ huynh để tạo ra môi trường an toàn khi học online?

- Đại diện công ty công nghệ: Về mặt bảo mật, tôi nghĩ đầu tiên và quan trọng nhất là nên hướng dẫn cách sử dụng cho giáo viên vì họ là người tạo ra lớp học. Đồng thời nên điểm danh khi học online, nếu không thuộc lớp học thì cho ra khỏi lớp.

31/08/2021 15:57

Lưu ý với phụ huynh khi con học trực tuyến

- Ts Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

Dạy online là một xu hướng tất yếu. Thực tế, 3 tuổi nhiều con đã lên mạng học qua các video, qua youtube.

Chúng ta phải xác định tinh thần sẽ sống chung với dịch. Việc xây dựng năng lực công dân số là cần thiết. Nhưng việc tổ chức học trực tuyến phải đưa ra nhiều hoạt động gây hứng thú cũng như hiệu quả với học sinh. Điều quan trọng làm sao cho các em hứng thú và hay qua các bài học.

Công nghệ giúp nhiều cho chúng ta nhưng muốn gây hứng thú với học sinh thì cần phát huy sáng tạo thầy cô và bố mẹ phải có trách nhiệm với con trong việc học.

Bên cạnh bài học của thầy cô thì hiện nay có rất nhiều tài nguyên khác. Đây là những bài học thầy cô đã cài game vào đấy làm sao để bài học trở thành thú vị gây hứng thú với các em.

Và quan trọng phải cá nhân hoá các em. Thay vì giờ học trực tiếp với các con có thể ngắn đi và giờ hỗ trợ các con mà nguy cơ tụt lại phía sau như chúng tôi nói ở trên cần tăng lên. Đây là chiến lược khiến các con học trực tuyến là hiệu quả.

Chúng ta khẳng định học trực tuyến là xu thế tất yếu. Vấn đề còn lại làm sao để các con lên học trực tuyến an toàn, hiệu quả.

31/08/2021 16:03

Nếu học online thì học phí nên tăng hay giảm?

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội: Đối với các trường công học phí không cao nên học phí không thành vấn đề. Tuy nhiên ở các tư thục thì việc thu học phí lại khiến nhiều phụ huynh quan tâm.

Theo thông lệ quốc tế mà tôi được biết là thì người ta không phân biệt việc học trực tiếp với trực tuyến và mức học phí sẽ thu như nhau.

Tọa đàm trực tuyến 'Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?' ảnh 14

Nhưng ở Việt Nam, hiện nay nhiều phụ huynh đều có mong muốn giảm học phí học trực tuyến. Bởi lí do cơ bản nhất là chất lượng học trực tuyến giảm đi rất nhiều, các con không được nhà trường, thầy cô chăm sóc như học trực tiếp.

Hiện tại, hầu hết các trường công lập đều, đã, đang hoặc sẽ giảm học phí so với học trực tuyến và mỗi trường một kiểu.

Theo ý kiến riêng của tôi là nên giảm học phí học trực tuyến nhưng giảm ở mức nào thì tùy vào điều kiện của từng trường.

Ở trường Marie Curie Hà Nội, năm 2020 chúng tôi giảm 100% học phí học trực tuyến và nhận được phản ứng rất tích cực. Trong năm học mới này, chúng tôi cũng sẽ giảm học phí khi học trực tuyến, nhưng giảm ở mức nào sẽ căn cứ vào sự đồng thuận cao nhất của phụ huynh. Bởi việc giảm học phí thể hiện sự chia sẻ khó khăn của nhà trường với gia đình học sinh trong bối cảnh dịch bệnh.

Mặc dù giảm học phí nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo trả lương 100% cho giáo viên bởi trong suốt 30 năm hoạt động chúng tôi có quỹ đầu tư phát triển và quỹ đề phòng rủi ro và hiện giờ các quỹ đó đang phát huy tác dụng.

31/08/2021 16:05

Đối với việc thu học phí của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tại điểm d khoản 6 Điều 99 Luật Giáo dục quy định: "Cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý".

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố và của Bộ GDĐT tại Công văn số 3277/BGDĐT-KHTC ngày 04/8/2021 của Bộ GDĐT về việc thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh và phụ huynh trong tình hình dịch bệnh COVID-19.

Hiện nay, Sở GDĐT đang phối hợp Sở Tài chính có văn bản triển khai thực hiện đối với các cơ sở giáo dục. Trong đó có nội dung:

Khẩn trương rà soát, tổ chức công tác dạy học hợp lý, đảm bảo yêu cầu chất lượng và cắt giảm tiết kiệm tối đa các chi phí để tiết giảm các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo không cần thiết.

Bên cạnh các chính sách miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của nhà nước; các cơ sở giáo dục kêu gọi và huy động các nguồn lực của xã hội theo quy định để có các chính sách hỗ trợ thêm như: miễn, giảm học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong năm học 2021-2022.

Thực hiện việc giãn thời gian đóng học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, không tổ chức thu gộp nhiều khoản thu trong cùng một thời điểm.

Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội.

31/08/2021 16:17

Tọa đàm trực tuyến 'Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?' ảnh 15

Từ các câu chuyện, lí giải trong khuôn khổ chương trình buổi toạ đàm hôm nay, báo Tiền Phong hy vọng quý bạn đọc có thể giải toả một phần lo lắng khi nghe chia sẻ của các vị khách mời.

Chúng ta hy vọng đại dịch sớm đẩy lùi và khống chế để các em học sinh được quay lại trường. Thay mặt Ban Biên Tập cảm ơn các quý vị đại biểu, bạn đọc đã tham gia buổi tọa đàm, chúng tôi hi vọng trong thời gian tới vẫn luôn nhận được sự quan tâm, chung tay của các quý vị để góp phần vì một tương lai giáo dục nước nhà.

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên Tập Báo Tiền Phong

Chỉ còn ít ngày nữa, học sinh trên toàn quốc sẽ bước vào lễ khai giảng năm học mới 2021-2022. Năm nay, Bộ GD&ĐT xác định sẽ là năm học đầy khó khăn, thách thức khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, học sinh không thể đến trường.

Ngành giáo dục đã yêu cầu các địa phương linh hoạt trong phương thức dạy học kết hợp trực tuyến, trực tiếp, dạy qua truyền hình, thậm chí ở nơi khó khăn thầy cô giáo chỉ giao bài tập cho học sinh. Trong đó, xác định dạy học trực tuyến không còn là giải pháp tạm thời như một hai năm về trước mà phải xác định dịch COVID-19 có thể kéo dài để sẵn sàng thích ứng.

Bộ GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học, đặc biệt là đối với tiểu học trong đó yêu cầu nơi nào đủ điều kiện dạy học trực tuyến sẽ triển khai, nơi không đủ dạy qua truyền hình. Điều kiện mà Bộ đưa ra phải đảm bảo về: cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, học liệu dạy học trực tuyến; giáo viên được hướng dẫn sử dụng phần mềm, có các kỹ năng cần thiết, thời khóa biểu sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các môn học, phân bổ hợp lý về thời lượng dạy học trong tiết học/buổi học, không gây áp lực đối với học sinh…

Tuy nhiên, thực tế ở các địa phương hiện nay đáp ứng được điều kiện đó như thế nào đang là câu hỏi khó. Ngay cả tại Hà Nội, TP HCM…những TP lớn, vẫn có rất nhiều phụ huynh khó khăn, học sinh không có thiết bị để học tập. Ở vùng khó khăn như Sơn La, Điện Biên, vùng núi Nghệ An….chỉ có khoảng 30-60% học sinh có thiết bị tối thiểu để học trực tuyến. Nhiều địa phương như TP Cần Thơ, Đà Nẵng…quyết định không vội vàng dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1.

Ở phía phụ huynh cũng đối mặt với những trăn trở, băn khoăn, khi không dành được thời gian hỗ trợ con học trực tuyến như nhà trường yêu cầu; tiền đâu để mua máy tính; điện thoại cho con học trực tuyến; chất lượng học ra sao; liệu phương pháp này sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất, tâm thần con thế nào?...

Trước thực tế đó, 14 giờ chiều 31/8, Báo Tiền Phong tổ chức toạ đàm trực tuyến Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả.

Khách mời gồm:

- Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội.

- Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội.

- Ts Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

- Bà Nguyễn Ngọc Anh, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học Thủ Lệ, quận Ba Đình (Hà Nội).

- Đại diện công ty công nghệ: Anh Trần Quốc Uy, CEO Công ty phần mềm Quảng Ích.

- Anh Hồ Bá Hào, phụ huynh có con năm nay vào lớp 1.

Các khách mời sẽ trao đổi, chia sẻ những băn khoăn trăn trở cũng như giải pháp nào đạt hiệu quả trong dạy học trực tuyến giữa đại dịch. Các hiệu trưởng, nhà quản lý sẽ giải bài toán khó khăn trong thực tế ra sao?

Kính mời quý bạn đọc cùng theo dõi và đặt câu hỏi cho buổi toạ đàm!

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.