Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng liều ''vắc xin ý thức''!

Mai Lâm| 23/12/2021 07:08

(HNMCT) - Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới với sự xuất hiện của biến thể Omicron. Nhiều quốc gia châu Âu đã phải tính tới biện pháp siết chặt quản lý như cấm người không tiêm vắc xin đến một số địa điểm công cộng; hạn chế tập trung đông người, nhất là trong dịp đón Giáng sinh, mừng năm mới 2022...

Ở trong nước, dù chưa phát hiện biến thể mới Omicron, nhưng tình hình cũng khá “nóng” với số ca nhiễm bệnh rất lớn. Tại Hà Nội, những ngày qua, số ca nhiễm bệnh được phát hiện mỗi ngày thường trong nhóm dẫn đầu cả nước, mặc dù số ca nặng không nhiều. Đó là những điều đã được dự báo và là kết quả từ sự nỗ lực phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị Thủ đô, sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương và các tỉnh, thành phố bạn, trong đó không thể không nói tới chiến dịch tiêm phủ vắc xin thần tốc trong tháng 9. Tiêm vắc xin không ngăn chặn hoàn toàn được lây nhiễm, nhưng đã giúp các ca nhiễm bệnh không trở nặng, có thể điều trị tại các cơ sở thu dung và tại nhà. Thành phố cũng đã chỉ đạo chính quyền cơ sở chủ động phương án điều trị tại chỗ từ sớm. Điều này đã giảm đáng kể áp lực lên hệ thống y tế, đồng thời hạn chế tối đa số ca tử vong.

Thông tin dịch bệnh trong thời gian qua cho thấy, tình hình vẫn vô cùng phức tạp, khó lường. Chính quyền và các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Y tế đã và đang căng mình để vừa bảo đảm an toàn cho người dân, vừa hạn chế tối đa ảnh hưởng, làm đứt gãy tới sản xuất, kinh doanh, các hoạt động xã hội. Người dân cũng hết sức ủng hộ, đồng lòng cùng thành phố thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây lan. Thế nhưng, đáng buồn là vẫn còn không ít người, đặc biệt là giới trẻ chưa nhận thức tốt, vi phạm các quy định phòng, chống dịch. Minh chứng là những quán karaoke vẫn lén lút mở cửa cho khách vào hát, hay không ít những quán nhậu vẫn chưa thực hiện đúng quy định về giãn cách giữa các thực khách, nhiều quán bia hơi trước đây đã “biến hóa” thành “nhà hàng” để kinh doanh. Đó còn là không ít người dân sống ở vùng đang ở cấp độ 3 về dịch Covid-19 (bị cấm ăn uống tại quán) di chuyển sang vùng cấp độ 2, cấp độ 1 để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Dù việc di chuyển sang vùng khác để ăn uống không bị cấm, nhưng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng...

Theo các chuyên gia y tế, mặc dù tỷ lệ tiêm phòng ở Hà Nội cao, nhưng không thể chủ quan, nhất là dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, mùa lễ hội đã cận kề. Không ít quốc gia đã và đang gặp phải sự kiện “siêu lây nhiễm” do biến chủng Omicron mà nguyên nhân không gì khác chính là từ các hoạt động tập trung đông người. Bởi vậy, cơ quan chức năng liên tục khuyến cáo người dân hạn chế tối đa việc tụ tập, liên hoan... không cần thiết. Bình thường mới đồng nghĩa với việc phải thay đổi trạng thái, thói quen để thích ứng an toàn với dịch bệnh, phải điều chỉnh thói quen, tác phong sinh hoạt, làm việc để “sống chung” với Covid-19. Những diễn biến mới nêu trên càng đòi hỏi mỗi người cần phải “tăng liều lượng vắc xin ý thức” trong mình, tuyệt đối không buông thả, dễ dãi với bản thân, dẫn tới vi phạm các quy định phòng dịch. Trong công thức phòng, chống dịch bệnh thời gian qua cũng đã luôn đề cao vắc xin “ý thức người dân”. Mỗi người dân chính là chủ thể trong phòng, chống dịch Covid-19, do vậy, mỗi người cần chủ động, tích cực "vào cuộc" ngay tại nơi cư trú, chỗ làm việc và trong sinh hoạt hằng ngày, chấp hành nghiêm quy định “5K” thì công tác chống dịch mới có hiệu quả tối đa. Bởi lẽ, chỉ cần một chút chủ quan, lơ là, dịch bệnh có thể lây lan, dẫn đến hậu quả khó lường. Nếu để dịch bệnh diễn biến phức tạp, phải áp dụng các biện pháp mạnh thì cái thiệt sẽ lớn hơn nhiều, không chỉ đối với mỗi cá nhân mà cả với một khu vực, một cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng liều ''vắc xin ý thức''!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.