Theo bác sĩ nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường, thành viên nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, trẻ được coi là F0 nếu thuộc 1 trong 4 trường hợp.

Thứ nhất, bé có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. Thứ hai, bé tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2. Thứ ba, bé có yếu tố dịch tễ, có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19 và xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2.

Thứ tư, trẻ có yếu tố dịch tễ, có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1) với SARS-CoV-2. Trong trường hợp xét nghiệm nhanh kháng nguyên lần thứ 2 âm tính, cần có xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.

Ngay khi phát hiện con là F0, cha mẹ cần bình tĩnh và thực hiện lần lượt 4 bước sau:

Báo ngay cho y tế địa phương

Cần thông báo cho y tế địa phương về thời gian test nhanh hoặc PCR dương tính để xác định con đã mắc Covid-19 ngày thứ mấy (tốt nhất nên chụp lại kết quả test ); nguồn lây của bé, những ai là F1 để tiến hành cách ly và đưa hướng giải quyết.

Đo chỉ số SPO2, đo nhiệt độ đo hõm nách con trong 5 phút. Bên cạnh đó, đo tần số thở của trẻ theo cách: lúc trẻ nằm yên lặng, không quấy khóc, mẹ có thể ôm con vào trong lòng, sau đó vén áo trẻ lên quá phần ngực, quan sát vị trí bụng và ngực con. Bắt đầu đếm trong vòng 1 phút, mỗi lần con hít và thở ra là một nhịp, thực hiện đếm lại khoảng 3 lần. Quan sát các triệu chứng của bé như: ăn uống, bú, đi ngoài, giấc ngủ, có tỉnh táo hay không, chơi ngoan không.

Kết nối với bác sĩ để xin hỗ trợ

Bác sĩ Cường cho biết, diễn tiến bệnh ở trẻ em thường nhanh, triệu chứng Covid-19 có thể bị chồng lấp bởi các bệnh thông thường nên phụ huynh cần theo dõi, quan sát kịp thời và nhờ bác sĩ tư vấn, đánh giá. Bên cạnh đó, các bé dưới 1 tuổi không nói được nên có nhiều triệu chứng khó phát hiện, rất cần sự hỗ trợ chuyên môn của bác sĩ.

Chuẩn bị các thuốc, đồ dùng cho con

Nếu bé điều trị tại nhà, cha mẹ cần mua thuốc hạ sốt dạng bột, siro, viên đạn đút hậu môn tùy tuổi của con; mua thêm Orezol vị hoa quả cho dễ uống theo hướng dẫn của bác sĩ. Bổ sung các loại thảo dược như tía tô, hành, gừng tươi, xả,…

Nếu bé có chỉ định vào viện, cần chuẩn bị quần áo, đồ vệ sinh cá nhân đảm bảo trong 10-14 ngày, các nhóm thuốc điều trị triệu chứng, khẩu trang, nước sát khuẩn tay nhanh và bảo hiểm y tế, giấy giới thiệu của CDC địa phương hoặc trạm y tế. Bác sĩ Cường lưu ý, tránh mua thuốc không rõ nguồn gốc để sử dụng cho trẻ.

Bình tĩnh, tỉnh táo để chiến đấu dài ngày cùng con

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, sau khi đã thông báo cho y tế địa phương, liên hệ với bác sĩ và chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật dụng cá nhân như hướng dẫn, cha mẹ cần giữ tinh thần lạc quan, bình tĩnh và tỉnh táo để đồng hành cùng bé.

{keywords}
 
{keywords}
Bệnh nhi Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - Ảnh: Minh Tú

Bác sĩ thông tin, nếu trẻ mắc Covid-19, sau thời gian ủ bệnh (thường từ 4-6 ngày, có trường hợp kéo dài đến 14 ngày), bé sẽ trải qua 3 giai đoạn.

Giai đoạn khởi phát (thường vào ngày 1 - 5)

Sốt thường cao như sốt virus (38 - 39 độ C), có thể kéo dài hơn 7 ngày. Ngoài ra, bé mệt mỏi, đau cơ khớp, đau đầu. Nhiều trường hợp biểu hiện chán ăn, ăn kém, các bé đang bú sẽ có tình trạng bỏ bú. Ho khan hoặc có đờm, đau họng, nghẹt hoặc sổ mũi, chảy nước mũi, họng đỏ xung huyết, xung huyết giác mạc, phát ban, da hồng ấm, giãn mạch.

Trẻ cũng có thể mất vị giác, khứu giác, thời gian kéo dài từ vài ngày đến vài tuần (thậm chí có trường hợp tới cả tháng) nhưng khoảng 95% bệnh nhi sẽ hồi phục hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn nếu tập ngửi tốt. Có thể buồn nôn, nôn và tiêu chảy do tổn thương hệ vi khuẩn có lợi đường tiêu hóa hoặc dùng kháng sinh không phù hợp.

Giai đoạn chuyển biến nặng (ngày thứ 5 - 8)

Khoảng 2% bệnh nhi sẽ diễn tiến nặng vào ngày thứ 5-8 của bệnh, thường rơi vào các bé có yếu tố nguy cơ cao như: béo phì thừa cân, suy dinh dưỡng, đái tháo đường , bệnh lý di chuyền rối loạn gen, bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn tính, các bệnh lý tâm thần kinh, bệnh hệ thống, xơ gan bẩm sinh, suy thận mạn, bệnh máu như Thalassemia, hồng cầu hình liềm…

Ngoài ra, các trẻ đang sử dụng Corticoid và các thuốc  ức chế miễn dịch khi ghép tạng, điều trị; trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh, mắc bệnh ung thư, đẻ non( dưới 37 tuần), cân nặng thấp, không được nuôi bằng sữa mẹ hoặc hít thuốc lá thụ động nhiều từ người lớn cũng có nguy cơ trở nặng.

Nếu diễn tiến nặng, bé sẽ có các biểu hiện: sốt trên 38,5 độ C, dùng thuốc hạ sốt nhưng không hạ mặc dù đã phối hợp 2 loại; đo SpO2 < 96% (trẻ nhỏ không thể đo ở tay, mẹ có thể đo ở ngón chân cái, nếu không được thì kiểm tra môi bé có hồng không, tay chân ấm không, con bú dài hơi hay phải thở).

Ngoài ra, trẻ khó thở, thở nhanh (trẻ nhỏ hơn 2 tháng: nhịp thở > 60 lần/phút; 2 - 11 tháng: nhịp thở > 50lần/phút; 1 - 5 tuổi: nhịp thở > 40 lần/phút; lớn hơn 5 tuổi: nhịp thở > 30 lần/phút), thở gắng sức, thở rên (cần phân biệt với tắc mũi), co rút cơ gian sườn, môi tím, đầu ngón tay, ngón chân tay lạnh.

Bé có thể bỏ ăn, chán ăn, bú kém, buồn nôn, nôn nhiều, đi ngoài > 3 lần một ngày, phân lỏng hoặc tóe nước; dị ứng với các thuốc điều trị triệu chứng Covid-19.

Bác sĩ Cường nhấn mạnh, nếu con có triệu chứng như trên, cha mẹ cần báo ngay với bác sĩ nhi khoa để được hỗ trợ và hướng dẫn kịp thời.

Giai đoạn phục hồi (ngày thứ 7 - 10)

Trẻ hết sốt, ăn ngon, chơi tốt và ngủ ngon, giảm dần các triệu chứng về hô hấp, tiêu hóa bắt đầu trở lại sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, phụ huynh vẫn cần chủ động đo SpO2, tần số thở và nhiệt độ của con để báo bác sĩ.

Nếu bé không có triệu chứng, vào ngày thứ 9 sẽ xét nghiệm test nhanh hoặc RT-PCR để xác định khỏi bệnh. Nếu có triệu chứng, ngày thứ 13 sẽ xét nghiệm test nhanh hoặc RT-PCR.

Nguyễn Liên

Lý do cần tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi

Lý do cần tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi

Theo đại diện Bộ Y tế, trẻ em cũng có thể diễn tiến nặng khi mắc Covid-19, có cả tình trạng hậu Covid-19 và di chứng khác. Ngoài ra, tiêm vắc xin không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giúp giảm đi sự lây nhiễm trong cộng đồng.