Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học trực tuyến mang lại ''lợi ích kép''

Nhóm phóng viên| 17/04/2021 06:12

(HNM) - Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên có nhiều điểm mới. Dư luận bày tỏ sự đồng tình với những quy định trong thông tư này và cho rằng, học trực tuyến sẽ mang lại “lợi ích kép”, vừa góp phần tích cực phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa duy trì chất lượng dạy và học.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền (quận Hai Bà Trưng) học trực tuyến trong thời gian tạm nghỉ học do dịch Covid-19. Ảnh: Đỗ Tâm

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Khắc Thuật: 
Quy định là cần thiết

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 09/ 2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên là hết sức cần thiết. Thông tư quy định, hoạt động dạy học trực tuyến được thực hiện theo các bài học hoặc chủ đề bám sát chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học.

Hoạt động này có thể hỗ trợ dạy học trực tiếp và có thể thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục để bảo đảm chất lượng dạy học. Người đứng đầu cơ sở giáo dục được quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục trong thời gian học sinh không đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng. Điều này rất phù hợp với tình hình thực tế về lâu dài chứ không phải chỉ khi có dịch bệnh như hiện nay. 

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Đức Minh: 
Tạo điều kiện để các em được học ở mọi nơi, mọi lúc

Theo thông tư mới, giáo viên tổ chức giờ học trực tuyến để giảng bài và hướng dẫn học sinh học tập, giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; theo dõi, hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh.

Học sinh tham dự giờ học trực tuyến do giáo viên tổ chức; thực hiện các hoạt động học tập và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của giáo viên; khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi đối với giáo viên và các học sinh khác. Thực hiện những quy định này trong dạy học trực tuyến, các cơ sở giáo dục sẽ phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục, góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để các em được học ở mọi nơi, mọi lúc.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (quận Hoàn Kiếm) Ngô Kiều Linh: 
Phải bảo đảm để việc dạy và học đạt chất lượng

Việc dạy và học trực tuyến trong thời gian qua đã chứng minh được "lợi ích kép" khi vừa phòng, chống được dịch Covid-19, vừa duy trì việc học thường xuyên của học sinh. Tuy nhiên để hoạt động này đạt hiệu quả hơn cũng cần lưu ý thêm về mặt  đường truyền internet. Hiện nay, đôi khi vẫn xảy ra hiện tượng không đăng nhập được vì nhiều người sử dụng đường truyền học trực tuyến trong cùng một thời gian; hoặc đang học bị thoát ra, bị gián đoạn, chất lượng hình ảnh, âm thanh kém. Do vậy, việc này cần được cơ quan liên quan khắc phục để việc dạy và học trực tuyến luôn thông suốt, bảo đảm chất lượng. 

Ông Nguyễn Huy Phượng, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong, quận Hà Đông: 
Phụ huynh cần quản lý tốt việc học của con em mình

Dạy học trực tuyến đang là xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và là lựa chọn hàng đầu trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp. Thực tế dạy và học trực tuyến thời gian qua cũng cho thấy, nhiều giáo viên đã có sáng tạo, tổ chức bài giảng theo cách mới để học sinh dễ tiếp thu kiến thức.

Tuy nhiên, học trực tuyến cũng còn bộc lộ nhiều vấn đề khó có thể giải quyết được ngay như hạn chế về tính tương tác giữa thầy với trò, trong trao đổi nhóm, kiểm soát việc học của học sinh. Thực tiễn này đòi hỏi các bậc phụ huynh phải quản lý tốt việc học của con em mình và các em học sinh cũng phải tự giác, tránh học đối phó thì việc học trực tuyến mới đạt kết quả như mong muốn.

Ông Nguyễn Đình Nam, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên:
 Phần mềm dạy và học cũng cần phải được thống nhất, có tính bảo mật cao

Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT cho phép học sinh làm bài kiểm tra, đánh giá định kỳ… bằng hình thức trực tuyến trong trường hợp bất khả kháng không chỉ mang tính nhân văn mà còn tạo điều kiện thuận tiện hơn rất nhiều cho học sinh, giúp các em không bị gián đoạn việc học. Tuy nhiên, để quy định này được triển khai hiệu quả trong thực tiễn thì yêu cầu đặt ra là ngoài việc bảo đảm nền tảng hạ tầng thông tin tốt, phần mềm dạy và học cũng cần phải được thống nhất, có tính bảo mật cao để không lộ thông tin cá nhân của người dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học trực tuyến mang lại ''lợi ích kép''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.